Tin vui cho rất nhiều bị can, bị cáo, bị án là sắp tới họ sẽ được đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhờ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gọi tắt là BLHS sửa đổi).

Ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TP.HCM, đại biểu Quốc hội, khẳng định trong BLHS sửa đổi và Nghị quyết 33 của Quốc hội về thi hành luật này nói rõ các điều luật có lợi cho bị can, bị cáo, bị án sẽ áp dụng ngay sau khi Chủ tịch nước công bố luật chứ không phải đợi đến đầu năm 2010 (ngày BLHS sửa đổi có hiệu lực). Ngày 29-6, Chủ tịch nước ký lệnh công bố BLHS sửa đổi đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người phạm tội được trả tự do, được thoát án tử hình… ngay chứ không chờ đến thời hạn 1-1-2010.

Tử hình còn chung thân

– Ông Bùi Hoàng Danh: Quốc hội đã bỏ án tử hình đối với tám loại tội. Như vậy, kể từ đầu tháng 7-2009 (sau khi Chủ tịch nước công bố luật), mức án cao nhất của tám loại tội này chỉ đến chung thân mà thôi, các cơ quan tố tụng sẽ không áp dụng hình phạt tử hình với họ nữa. Trường hợp tòa đã tuyên án tử hình với tám loại tội này mà chưa thi hành, chánh án TAND tối cao sẽ chuyển hình phạt tử hình xuống chung thân cho họ. Nói cách khác, bị án nào thuộc diện nêu trên mà chưa bị thi hành án thì sẽ thoát chết. Đây là nguyên tắc áp dụng có lợi cho người phạm tội.* Việc áp dụng các điều khoản có lợi trong BLHS sửa đổi đối với các tội danh được bỏ án tử hình ra sao, thưa ông?

Tội phạm thành nạn nhân

* Luật mới không xem người sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm nữa. Các cơ quan tố tụng sẽ xử lý những người đã lỡ sử dụng ma túy bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án như thế nào?

– Trước đây, chúng ta xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy, tuy không nhiều nhưng đây là cách nhìn chưa chuẩn. Vì thế, trong lần sửa đổi này, chúng ta xem họ là nạn nhân chứ không phải tội phạm nên không xử lý hình sự nữa. Đây là cách nhìn nhân đạo của luật mới.

Với tinh thần của Nghị quyết 33, kể từ sau ngày 29-6, các cơ quan tố tụng sẽ không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy (có thể áp dụng biện pháp khác như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục…). Trường hợp vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang tạm đình chỉ thi hành án thì họ được miễn chấp hành hình phạt còn lại, nếu chưa chấp hành hình phạt sẽ được miễn chấp hành. Nếu ai đó bị cơ quan tố tụng bắt chỉ vì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy thì họ sẽ được trả tự do, xóa án tích. Và cần khẳng định là những trường hợp được trả tự do nói trên là do chuyển biến của tình hình chứ không phải họ bị oan.

Trộm cắp vặt lần đầu sẽ được tha

– Trong luật mới có đến 15 loại tội liên quan đến định lượng tiền đã được sửa đổi theo hướng nâng lên nhiều lần. Ví dụ: Với các tội trộm cắp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản…, trước đây chỉ chiếm đoạt tài sản 500 ngàn đồng là có thể bị xử lý hình sự, nay BLHS sửa đổi yêu cầu phải là hai triệu đồng trở lên. Như vậy, nếu ai đó đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo các tội trên mà tài sản chiếm đoạt chưa tới hai triệu đồng sẽ được trả tự do.* Luật mới cũng nâng mức định lượng tiền một số tội liên quan đến tài sản. Nếu ai đó có hành vi phạm tội mà định lượng này chưa đủ theo luật mới sẽ giải quyết như thế nào?

Cần lưu ý là bên cạnh yếu tố định lượng hai triệu đồng còn có các yếu tố định tội khác như gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nếu có một trong các yếu tố đó thì dù có chiếm đoạt dưới hai triệu đồng vẫn bị xử lý hình sự chứ không được trả tự do theo luật mới.

Ngoài ra, luật mới cũng nâng định lượng tiền lên bốn triệu đồng, 10 triệu đồng, 100 triệu đồng tương ứng cho các loại tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản, trốn thuế (các điều 140, 141, 161 BLHS)… và họ cũng được áp dụng theo hướng có lợi là trả tự do, xóa án tích.

* Vậy khi nào TAND TP.HCM thi hành các điều khoản có lợi trên cho bị cáo? Có ai được trả tự do chưa?

– Ngay sau khi tham dự phiên họp của Quốc hội thông qua BLHS sửa đổi và Nghị quyết 33, từ Hà Nội tôi đã chỉ đạo các bộ phận ở TAND TP.HCM phải chủ động rà soát các trường hợp thuộc diện được trả tự do theo thẩm quyền của tòa mình. Tuy nhiên, các loại tội phạm chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng chủ yếu thuộc thẩm quyền xét xử ở cấp huyện. Do các đơn vị chưa có báo cáo chính xác và cũng chưa có con số cụ thể nên đến ngày 21-7 chưa có ai được trả tự do theo hướng có lợi của luật mới.

Xin cám ơn ông.

Theo VI TRẦN – Pháp Luật TPHCM

Topics #bộ luật Hình sự